XỬ LÝ KẾ TOÁN SAU THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ TẠI DOANH NGHIỆP

XỬ LÝ KẾ TOÁN SAU THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ TẠI DOANH NGHIỆP

Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

Thanh tra thuế là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp.

Sau quá trình thanh tra, kiểm tra thuế tại đơn vị doanh nghiệp thường nhận được biên bản và quyết định xử lý. Các bạn kế toán cần làm gì đối với hồ sơ khai thuế cũng như sổ sách, báo cáo của đơn vị ?

I. XỬ LÝ HỒ SƠ KHAI THUẾ

Căn cứ khoản 5, điều 10 thông tư 156/2013/TT-BCTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn một số điều của luật quản lý thuế:

“5. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

  1. a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế. …

Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh:

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện.

Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế liên quan đến tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền (người nộp thuế không phải lập hồ sơ khai bổ sung).”.

 

Vì vậy,sau khi cơ quan thuế đã ban hành quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra thuế thì kế toán  không thực hiện kê khai, bổ sung hồ sơ khai thuế  liên quan đến thời kỳ, phạm vi thanh tra, kiểm tra đối với các sắc thuế.(Trừ trường hợp người nộp thuế  phát hiện sai sót làm tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa và bị xử lý như trường hợp cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện).

Xử lý hồ sơ khai thuế trong một số tình huống đặc biệt khác :

* TH1: Cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý làm tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện điều chỉnh vào chỉ tiêu số 37 “Điều chỉnh giảm”, 38 “điều chỉnh tăng” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ nhận được quyết định xử lý

 dụ : Tháng 08/2020 Công ty N nhận được Quyết định về việc xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế năm 2019, trong đó Điều chỉnh giảm số thuế GTGT được khấu trừ của năm 2019 là 100 triệu đồng thì Công ty N khai số thuế Điều chỉnh giảm vào chỉ tiêu “Điều chỉnh giảm thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 08/2020 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tờ khai tháng 09/2020.

TH2: Cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý làm giảm số lỗ còn được chuyển

Doanh nghiệp căn cứ vào số lỗ được chuyển xác định lại theo biên bản, quyết định để theo dõi số lỗ đã chuyển, còn được chuyển của các kỳ liên quan trên quyết toán thuế TNDN của năm hiện tại Ví dụ : Năm 2020 doanh nghiệp nhận được quyết định xử lý sau thanh tra thuế các năm 2018-2019, trong đó số lỗ còn được chuyển của năm 2019 giảm từ 500 trđ xuống còn 350 trđ . Trên phụ lục chuyển lỗ của năm 2020, kế toán sẽ thể hiện số lỗ còn được chuyển theo số trên quyết định xử lý là 350 trđ thay vì 500 trđ như trên quyết toán thuế TNDN năm 2019.

TH3: Một số khoản chi phí ghi nhận kỳ tính thuế trước nhưng đến kỳ hiện tại mới đủ điều kiện tính chi phí được trừ

Trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm nay (đủ điều kiện tính chi phí được trừ theo pháp luật thuế ) kế toán ghi nhận vào chỉ tiêu B11 “Các khoản điều chỉnh làm giảm lợi nhuận trước thuế khác”.

Ví dụ : Năm 2020 công ty  nhận được quyết định xử lý sau thanh tra thuế các năm 2018-2019, trong đó công ty bị điều chỉnh giảm chi phí được trừ năm 2019 là 150 trđ do quá thời hạn quyết toán năm công ty chưa chi hết lương năm 2019 (công ty không trích lập quỹ dự phòng tiền lương ). Khoản chi phí này mặc dù là chi phí không được trừ năm 2019, nhưng đến năm 2020 (năm hiện tại) công ty thực chi thì công ty được ghi nhận khoản chi phí này vào chi phí được trừ năm 2020. Trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2020, kế toán tổng hợp để ghi nhận khoản chi phí này vào chỉ tiêu B11 “Các khoản điều chỉnh làm giảm lợi nhuận trước thuế khác”

II. XỬ LÝ ĐỐI VỚI SỔ SÁCH, BÁO CÁO KẾ TOÁN

  1. Đối với các khoản thuế bị truy thu

Thông thường, sau thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường bị truy thu một số loại thuế sau : thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, …

Để xác định cách xử lý kế toán đối với các khoản truy thu này chúng ta xem xét nguyên nhân dẫn đến việc truy thu này là các sai sót trọng yếu, hay không trọng yếu để quyết định .

a, Đối với sai sót không trọng yếu : kế toán thực hiện điều chỉnh các khoản thuế truy thu này vào kỳ hiện tại khi nhận được quyết định xử lý .

*  Truy thu thuế GTGT: Doanh nghiệp có thể bị truy thu thêm thuế GTGT trong một số trường hợp như: kê khai thuế GTGT của các hóa đơn trên 20 trđ nhưng thanh toán bằng tiền mặt, xác định sai thuế suất GTGT đầu ra (thuế suất 10% nhưng đang xuất hóa đơn 0%), …

Kế toán thực hiện bút toán ghi sổ để ghi nhận khoản thuế GTGT bị truy thu :

Nợ 811 Thuế GTGT bị truy thu

Có 3331 Thuế GTGT bị truy thu

*  Truy thu thuế TNDN

 Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu liên quan làm tăng số thuế TNDN năm trước, kế toán điều chỉnh trực tiếp vào thuế TNDN hiện hành năm hiện tại :

Nợ 8211  Thuế TNDN bị truy thu

Có 3334  Thuế TNDN bị truy thu

( Căn cứ  hướng dẫn tại điểm b, khoản 1, điều 95 thông tư 200/2014/TT-BTC )

*  Truy thu thuế TNCN

Qua quá trình thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế truy thu thuế TNCN của doanh nghiệp trong một số trường hợp như : Doanh nghiệp không thực hiện khấu trừ thuế TNCN của lao động thời vụ (không có cam kết thu nhập theo mẫu quy định), doanh nghiệp xác định thiếu thu nhập chịu thuế thu nhập dẫn đến khấu trừ thiếu thuế TNCN, doanh nghiệp không khấu trừ một số khoản chi trực tiếp cho người lao động (tiền làm visa, trả hộ tiền học cho con không đủ điều kiện miễn thuế TNCN,…) …..

Kế toán tiến hành hạch toán ghi nhận khoản thuế TNCN bị truy thu :

Nợ 811 Thuế TNCN bị truy thu

Có 3335 Thuế TNCN bị truy thu

b, Đối với sai sót trọng yếu đẫn đến các khoản thuế bị truy thu:

Trường hợp phát hiện sai sót trọng yếu của các năm trước dẫn đến tăng thuế  phải nộp của các năm trước thì kế toán thực hiện xử lý sai sót trọng yếu theo quy định tại chuẩn mực kế toán số 29 (Điều chỉnh hồi tố sổ sách, báo cáo tài chính).

Ví dụ : Năm 2020, cơ quan thuế tiến hành thanh tra thuế tại trụ sở công ty cho các kỳ tính thuế năm 2018-2019. Trong quá trình thanh tra, cơ quan thuế phát hiện trong năm 2019 công ty có trích lập khoản dự phòng phải thu khó đòi không đầy đủ căn cứ là 1,5 tỷ đồng (Công ty trích lập do công ty nhận được thông tin khách hàng nước ngoài lâm vào tình trang phá sản, nhưng công ty không có hồ sơ để chứng minh). Do đó, công ty bị truy thu thuế TNDN tương ứng là 300 trđ .

Công ty xác định đây là sai sót trọng yếu cần điều chỉnh hồi tố .

Việc công ty trích lập dự phòng không đúng quy định làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên BCTC năm 2019 như sau :

Báo cáo kết quả kinh doanh Ảnh hưởng
Chi phí quản lý doanh nghiệp Sai tăng 1.500 trđ
Lợi nhuận trước thuế Sai giảm 1.500 trđ
Chi phí thuế TNDN Sai giảm 300 trđ
Lợi nhuận sau thuế Sai giảm 1.200 trđ
Bảng cân đối kế toán Ảnh hưởng
Dự phòng phải thu khó đòi Sai tăng 1.500 trđ
Thuế và các khoản phải nộp nhà nước Sai giảm 300 tr
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối Sai giảm 1.200 trđ

Kế toán thực hiện điều chỉnh hồi tố trên sổ sách, báo cáo năm 2020 như sau :

+ Điều chỉnh số dư đầu kỳ năm 2020 của các số kế toán có liên quan:

Điều chỉnh giảm số dư  sổ TK 2293 số tiền 1.500 trđ

Điều chỉnh tăng số dư  sổ TK 3334 số tiền 300 trđ

Điều chỉnh tăng số dư sổ TK 421 số tiền 1.200 trđ

+ Điều chỉnh báo cáo tài chính 2020:  cột số “Năm trước” trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cột “ Số đầu năm” trên Bảng cân đối kế toán năm 2020  trình bày theo số liệu năm 2019 đã điều chỉnh khỏi ảnh hươnmgr sai sót theo bảng trên.

+ Tại thuyết minh BCTC 2020: kế toán trình bày bản chất sai sót và việc điều chỉnh hồi tố báo cáo.

  1. Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn (phạt khai sai, phạt trốn thuế, phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế, xử phạt liên quan đến lĩnh vực hóa đơn,. ..). Các khoản chi phí này doanh nghiệp ghi nhận vào chi phí của kỳ hiện tại khi nhận được quyết định xử lý :

Nợ 811 Số tiền phạt vi phạm hành chính

Có 3339 Số tiền phạt vi phạm hành chính

Doanh nghiệp lưu ý nếu không nộp kịp thời các khoản phạt này, nếu không sẽ phải nộp thêm 0,05% mỗi ngày trên tổng số tiền phạt chưa nộp (Điều 5, thông tư 153/2013/TT-BTC).

  1. Doanh nghiệp phát sinh tiền chậm nộp tiền thuế

Tiền chậm nộp tiền thuế phát sinh do doanh nghiệp nộp các khoản thuế vào ngân sách nhà nước sau thời hạn nộp thuế hoặc phát sinh do doanh nghiệp bị truy hoàn thuế. Căn cứ vào số tiền chậm nộp thuế trên quyết định xử lý, kế toán ghi nhận :

Nợ 811 Số tiền chậm nộp thuế

Có 3339 Số tiền chậm nộp thuế

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *